Cách lái côn tay trong thành phố an toàn


Lái một chiếc xe côn tay thật sự thú vị. Tuy nhiên, với nhiều người, việc chạy một chiếc xe côn tay trong thành phố với đông đúc xe cộ, nhiều đèn giao thông… thật sự là một điều trở ngại. Đối với những ai vừa nhập môn lái xe côn tay thì cảnh chết máy, hoặc loay hoay ở ngã tư mãi không đi được khi dừng đèn đỏ là chuyện bình thường. 

Bài viết sẽ chia sẻ cho những ai chưa quen với loại xe này có một cái nhìn tổng quát hơn khi cầm lái.

1. Chạy đề – pa

Khi đề-pa, biker không nên nhả hết tay côn, vì khi nhả hết sẽ dẫn đến hiện tượng chết máy (tắt động cơ). Trước khi thả côn, cần lên tay ga nhẹ ở vòng tua 1500 – 2000 vòng/phút (quá trình thả côn tay ga cần phải được giữ đều để xe có thể lăn bánh). Khi xe lăn bánh và đến tốc độ cần thiết thì bắt đầu nhả côn và vô số

**Chú ý, khi xe chạy với tốc độ cao thì người lái thuần thục có thể nhả côn (không cần giữ ở những cấp số cao – gọi là trường hợp bắn côn) việc làm này sẽ giúp cho xe chạy bốc, nhanh và mạnh hơn.

2. Đối phó cảnh đông người hay tắc đường

Đường phố Việt Nam với nhiều đèn giao thông và những khúc đường hay tắc xe nên việc chết máy do bóp nhả côn và tay ga không đều là chuyện rất bình thường. Chỉ khi tay côn bị ngắt hoàn toàn biker mới có thể sang số xe (bóp chặt tay côn hết cỡ). Rất nhiều trường hợp người lái xe không bóp hết côn làm cho việc sang số trở nên hết sức nặng nhọc. Lúc này việc hiệu chỉnh tay ga và tay côn sao cho nhịp nhàng rất quan trọng, vì sang số có nhẹ nhàng hay không sẽ tuỳ thuộc vào kỹ thuật này.

** Khi thuần thục thao tác: giảm tay ga và đồng thời bóp tay côn để cắt côn nhanh, sau đó sang số rồi nhả côn từ từ, kết hợp với tăng tay ga thì côn mới không bị mòn, máy hoạt động khoẻ, tránh được tình trạng ì máy. Dĩ nhiên hãy tập luyện thuần thục việc rà côn để vượt chướng ngại vật hay đi đường phố đông đúc.

3. Để xe không bị ì máy

Khi chạy xe, Người lái cho xe vào số khi xe chưa đạt được tốc độ cao thì tình trạng máy ì sẽ xuất hiện, hệ quả là xe sẽ bị ép số dẫn đến việc tăng ga nhưng không thể tăng tốc. Nếu rơi vào tình trạng này việc duy nhất có thể làm là vẫn giữ ga, bóp côn vài giây và buông (chuẩn bị tinh thần), xe sẽ bốc vọt lên một vận tốc phù hợp với tốc độ bị đang bị ép (giải nén hay chạy bù), Nhưng nếu tốc độ vẫn không phù hợp thì buộc phải trả số lại. Nếu không xe sẽ kẹt số và gây ra tiếng kêu kẹt máy.
– Ví dụ: Ở tốc độ 50km/h trả số 3 hay 4 sẽ xuất hiện tiếng kêu cóp cóp, nên hạ tốc độ còn 40km để trả về số 4, rồi hạ tiếp 30km/h về số 3. Cứ tương tự như thế cho các cấp số khác.



*** Thông số tốc độ phù hợp với số xe (chỉ mang tính tham khảo): số 1 tương ứng với tốc độ 5 – 10km/h, số 2: 10 – 20km/h, số 3: 20 – 30km/h, số 4: 30 – 40km/h, số 5: 40-50km/h, số 6: trên 50km/h.
Phước An – Webike


Bài trước
Bài tiếp theo