Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)


Trước hết, tôi chỉ là một người yêu thích xe cộ, một người bình thường, và có tình yêu với những chiếc xe. Tôi không phải thợ máy, tay đua, hay là dân chơi xe gì cả, và tuy cũng có chút kiến thức về xe cộ, nhưng sự thật là tôi còn rất trẻ, nên những kiến thức đó hoàn toàn chỉ dựa trên những tìm tòi và trải nghiệm non nớt của bản thân, chuyện đúng sai tôi không dám đảm bảo.
Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)
Chính vì vậy, bài viết này đối với tôi chỉ là một bài cảm nhận, trong đó thì những câu chuyện về trải nghiệm và cảm xúc sẽ nhiều hơn là những thông tin hàn lâm về chiếc xe. Và cũng vì thế, rất mong mọi người xem trọng tính giải trí của bài viết này, hơn là tính giáo dục.

Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)

À, Honda GB250, chiếc Clubman bé nhỏ, nói từ đâu bây giờ nhỉ?

Để bắt đầu nói về một cỗ máy, có lẽ tốt nhất ta nên áp những thông tin máy móc lên trước đã. Được Honda sản xuất bắt đầu từ năm 1983, và kết thúc vào năm 1999, trải qua 2 thế hệ với những cải tiến nhỏ về ngoại hình, nhưng vẫn giữ nguyên khối động cơ RFVC 249cc xy lanh đơn, DOHC làm mát bằng gió, khung thép, giảm xóc đôi, phanh tang trống phía sau và phuộc ống lồng đơn giản cùng phanh đĩa đơn phía trước.

Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)
Honda GB250 thế hệ đầu

Khá buồn cười, ấy là tôi hoàn toàn không biết gì về xuất xứ của chiếc xe này, hay cụ thể tại sao tôi lại sở hữu nó, chỉ mang máng nhớ là một chú hay một bác nào đó tới chơi, và lúc về thì quên luôn cả xe lẫn chìa ở lại, đại khái thế. Ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi có một phép thuật đặc biệt, là khiến nhiều thứ xuất hiện không lý do, và một số thứ khác biến mất không dấu vết.

Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)
Honda GB250 thế hệ thứ 2

Nói về hình dáng, thì thực sự đối với tôi, chiếc xe này tương đối đẹp, mặc dù nó không hoàn hảo, dĩ nhiên, vẫn có một số điểm cần và có thể thay đổi một cách dễ dàng để khiến nó đẹp hơn, như là ốp nhựa và chắn bùn sau bằng nhựa hay yên xe to dày cổ lỗ sĩ…nhưng nhìn tổng thể mà nói, thì nó đẹp.

Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)

Chiếc Clubman của tôi sinh năm 1987, tức là thuộc thế hệ đầu, với màu sơn ghi xám. Cá nhân tôi thấy thế hệ này và màu sơn này là đẹp nhất, khá là nhã nhặn và dễ đi với nhiều loại trang phục (ừm, tôi hơi bị điệu, 1 chút…) nhưng cũng không bị nhạt nhoà, hay là “thường” như là màu đen, trắng hay bạc đơn thuần. Thêm nữa, Honda GB250 thế hệ đầu có bình xăng to 17L và vuông vắn, rất giống những mẫu café racer Norton hay Triumph cổ điển, còn ở thế hệ sau thì bình xăng được vuốt tròn trịa mềm mại hơn, cũng có nét đẹp riêng của nó, nhưng trong mắt tôi thì không thể so được với hình hài nguyên thuỷ.
Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)
Chiếc Clubman của tôi.

Trang thiết bị trên xe vô cùng đơn giản, và cũng đúng với tuổi đời ngót nghét 30 của nó: đèn pha to, tròn, xi nhanh tròn, công tơ mét và đồng hồ tua máy cũng tròn nốt. Không có gì phức tạp, và bền đúng kiểu Nhật, cứ vặn chìa khoá là cái gì cũng vẫn dùng được hết.

Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)

Về tư thế và cảm giác

Không thoải mái. Đúng vậy, với phong cách thiết kế café racer, thì hẳn những ai đã từng ngồi lên một chiếc xe tương tự đều có thể liên tưởng tới thanh để chân cao, tay lái hẹp và thấp,…túm lại là dáng ngồi rất thể thao, nhưng mà rất nhanh mỏi tay, vai, lưng, chân, mỏi toàn thân,…mà rất kì lạ, là sau này kể cả khi ngồi lên những chiếc sportbike thuần như R6 hay CBR1000RR, tôi cũng không thấy mỏi đến mức độ ấy. 

Tay lái hẹp, cùng trọng tâm xe hướng nhiều về phía trước cũng khiến phần đầu xe tương đối nặng nề khi di chuyển ở vận tốc thấp, và đúng là có thể cảm thấy độ ổn định ở tốc độ cao hơn, nhưng nếu gặp tình huống mà phải dồn số gấp, thì đuôi xe quẫy kinh hoàng. Tôi từng dồn số rất gấp chiếc R6 ở khoảng 180km/h, dĩ nhiên là đuôi xe quẫy ngang dọc, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi cũng không thấy sợ và mất kiểm soát như lúc chạy khoảng 70km/h trên chiếc GB nhỏ xíu.
Honda GB250 Clubman: Đôi lời về tư thế và cảm giác (P1)
Có lẽ hồi đấy yếu. Đúng là với tư thế ngồi như vậy, thì di chuyển quãng đường xa đối với tôi là cực hình, nhưng mà khi gặp được những cung đèo uốn lượn trên đường đi Mộc Châu, thì vành 18’ và lốp sau 130, và tư thế ngồi “bán GP” là đủ để tôi quên đi phần nào đâu đớn rồi. 

Dĩ nhiên, vấn đề tư thế ngồi thì có thể được giải quyết đơn giản bằng cách thay sang tay lái rộng và cao hơn, như là tay lái sừng hươu của dòng LA, hay là tay lái ngang của dòng CB cũng được…nhưng nếu làm vậy, thì thứ nhất là cảm giác lái nguyên thuỷ của chiếc xe sẽ chẳng còn (tức là sẽ chán), thứ 2 là ngoại hình xe cũng sẽ chẳng được như xưa (tức là sẽ xấu), và cuối cùng thì dòng xe café cruiser thực sự là một cái tên nghe rất dở hơi.




Bài trước
Bài tiếp theo